Lựa chọn ngành học luôn là vấn đề đau đầu với các bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội du học. Vừa tốt nghiệp cấp 3 hiểu biết về các ngành học vẫn còn rất mơ hồ mà chọn ngành học không phù hợp với bản thân thì chẳng khác nào “sai một li đi một dặm”.

nen-chon-nganhgi-de-di-du-hoc

Khi cân nhắc nghành học các bạn không nên bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các ý kiến bên ngoài vì không ai hiểu mình bằng chính bản thân mình.

Bạn sẽ là người hiểu bản thân mong muốn điều gì cho tương lai và phù hợp với những lĩnh vực nào. Nếu có niềm đam mê, nhiệt huyết với ngành mà mình theo đuổi chắc chắn bạn sẽ thành công.

Tránh tâm lý đám đông

Rất nhiều các bạn theo học một ngành nghề nào đó với tâm lý “ai cũng học”. Do thiếu hiểu biết về thông tin các ngành, thêm nữa tại Việt Nam, các chương trình hướng nghiệp, giới thiệu ngành học vẫn đang còn rất hạn chế.

Do đó thông tin chủ yếu mà các bạn nhận được thường là từ “xu hướng” mà vô hình chung quên mất điều quan trọng nhất là bạn có thực sự đam mê ngành học đó không? Không ít các bạn trẻ sau khi đi du học trở về đã phải chọn làm trái ngành nghề mà mình học do không có cơ hội làm đúng ngành, hay cảm thấy không phù hợp với ngành đó.

Thậm chí có những bạn bỏ ngang ngành học để “nhảy” sang ngành khác vì phát hiện ra không phù hợp. Điều này vừa làm lãng phí tiền bạc và thời gian của bạn.

Dẫn chứng cụ thể của những lựa chọn chạy theo “thời đại” là các ngành học về công nghệ thông tin và chứng khoán.

Khi ngành IT nổi lên từ năm 2000, rất nhiều các bạn trẻ và các bậc phụ huynh đua nhau cho con em đi du học về công nghệ thông tin.

Tuy nhiên trong thời gian học tập xa xứ, thị trường việc làm trong nước của ngành này cũng phát triển không kém, dẫn đến cơ hội việc làm dần thu hẹp và cạnh tranh cao hơn.

Tương tự cho các ngành về chứng khoán. Khi chứng khoán mới du nhập về Việt Nam các bạn trẻ lại chạy theo du hướng này, nhưng biết đâu thị trường chứng khoán tại Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ đủ để cung cấp quá nhiều cơ hội việc làm với những mức lương cao tương xứng với kỳ vọng của các du học sinh.

Nắm bắt xu hướng chung của xã hội là một điều tốt, tuy nhiên bạn cũng nên cân nhắc đến những yếu tố quan trọng khác như khả năng và niềm đam mê của bản thân cũng như thị trường việc làm của ngành đó trong tương lai (chứ không phải hiện tại).

Ngành gì cũng được miễn là đi “Tây”

Lan Anh (du học sinh Anh) cho biết: “ mình với đứa bạn cùng nhau đi du học, nên hai đứa chọn ngành học giống nhau để có đôi có cặp”.

Những suy nghĩ kiểu này không hề hiếm trong giới du học sinh.

Tâm lý là học ngành gì cũng được, miễn là đi du học là những nguy cơ tiềm ẩn gây nên sự bất mãn, chán chường hay thiếu động lực của những bạn chọn sai ngành nghề mà lúc đó đã quá muộn để thay đổi.

Có những bạn lên kế hoạch cho cả quãng thời gian du học của mình, đi những đâu, làm gì, chơi gì, tuy nhiên điều quan trọng nhất là học ngành gì thì các bạn lại rất mơ hồ.

Hay có những bạn xác định đi là để mở mang tầm mắt, tiếp cận cuộc sống văn mình, để thay đổi bản thân chứ học ngành gì thì cũng….

không quan trọng mấy. Tuy nhiên khi đã điền vào hồ sơ xin học, bạn đã đặt cả tương lai bạn vào đó. Trải nghiệm của sống là quan trọng nhưng nếu bạn không có kiến thức về chuyên ngành học thì không gì có thể đảm bảo rằng bạn sẽ có một tương lai sự nghiệp thành công khi trở về nước.

Thành công hay thất bại đều là do bạn lựa chọn, nếu bạn có những chọn lựa đúng đắn ngay từ đầu, bạn sẽ có đủ nhiệt huyết, quyết tâm và chắc chắn sẽ có những thành công nhất định.

Đây là tiền đề vững chắc để xây dựng sự nghiệp và tương lai của một cá nhân nên các bạn không nên xem nhẹ.