Ngôi trường lâu đời nhất xứ sở bò tót
University Complutense of Madrid là ngôi trường lâu đời nhất xứ sở bò tót, được thành lập vào thế kỉ 15. Trường nằm trên hai khu học xá rộng lớn là Ciudad Universitaria district of Madrid và Somosaguas, Pozuelo de Alcorcon với số sinh viên đăng kí đạt mức kỉ lục 91.598 sinh viên trong năm học 2004-2005.
Theo đánh giá hàng năm của El Mundo, trường Complutense được xếp ở vị trí thứ nhất về hạng mục trường công ở nước này. Trường gồm có nhiều khoa, ngành: Tâm lí, Văn học Tây Ban Nha, Lịch sử, Dược, Vật lí, Xã hội học
Hiện nay trường Complutense còn có bốn học viện ngoài Tây Ban Nha, chẳng hạn Real Colegio Complutense ở Harvard University.
Ngoài ra, Đại học Complutense còn có nhiều khóa học tiếng và văn hóa Tây Ban Nha cho người nước ngoài. Hay khoa Kinh tế và Hành chính còn có bằng Cử nhân được giảng dạy bằng tiếng Anh. Các khóa học hè ở trường cũng được dạy bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, tùy thuộc nội dung môn học.
Là sinh viên của trường, bạn cũng có cơ hội tham gia các chương trình học trao đổi Erasmus/Erasmus Mundus đến các trường trên toàn thế giới: Đại học Université Paris-Sorbonne, University of Edinburgh; University of California (Berkeley); University of Otago…
Học chính trị ở Complutense
Với Sai, môi trường học tập ở khoa Khoa học chính trị thực sự là một môi trường thân thiện. Nếu đã nói được tiếng Tây Ban Nha, việc hòa nhập với sinh viên bản địa không phải là quá khó. Khoảng 5000 sinh viên ở khoa Khoa học Chính trị và Xã hội học có rất nhiều phong trào mạnh mẽ, nhiều trong số họ là thành viên của các tổ chức chính trị như: Against Power, Attac, Hội cộng sản, Hội theo đảng Xã hội, Hội Thiên chúa giáo, Erre Que Te Erre-the gay liberation fron…)
Trong ngành Khoa học chính trị của mình, Sai đã được giảng dạy các môn: Quan hệ quốc tế, Luật công quốc tế, Quan hệ quốc tế Thái Bình Dương, Địa lí chính trị hay các môn Xã hội (Dân số và Xã hội, Lịch sử đương đại…) Khi được hỏi về kế hoạch học cao hơn sau khi tốt nghiệp chương trình Đại học vào năm sau, Sai chia sẻ: “Tôi hoàn toàn có thể học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ tại đây. Các thầy cô ở trường Complutense rất giỏi và đây cũng là trường danh tiếng. Cuối cùng, về mặt tài chính, đây là một trường công nên chi phí học tập cũng rất hợp lí”.
Môi trường học tập và cơ hội việc làm
Hiện nay tình hình kinh tế Tây Ban Nha đang gặp khủng hoảng nên kiếm được việc làm thêm ở nước này không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, với lợi thế nói tốt tiếng Tây Ban Nha kèm theo ngôn ngữ mẹ đẻ, sinh viên nước ngoài sẽ có cơ hội tìm việc làm cho mình bởi người dân nước này không nhiều người nói lưu loát ngoại ngữ.
Tại trường có rất nhiều sinh viên đến từ các nước Mĩ La tinh bởi tiện ích ngôn ngữ (họ nói tiếng Tây Ban Nha). Ngoài ra cũng có nhiều sinh viên Trung Quốc nhờ vào các chương trình trao đổi kí kết bởi chính phủ hai nước. Sinh viên Nhật cũng khá đông ở đây, đối nghịch với thiểu số sinh viên Thái Lan và Việt Nam. Ở khoa của Sai có rất ít sinh viên Việt Nam vì đây là khoa bắt buộc phải học bằng tiếng Tây Ban Nha. Trong khi đó, đa số các sinh viên Việt Nam đến đây đều để học các khóa ngôn ngữ và văn hóa tây Ban Nha ở bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ với học bổng AECID – một học bổng của chính phủ Tây Ban Nha dành cho đối tượng sinh viên châu Á.
Về mặt tài chính, bạn sẽ khó có cơ hội tìm được việc làm thêm như chạy bàn hay pha chế (bartender) bởi đây là những nghề full-time (toàn thời gian) ở Tây Ban Nha. Hai công việc làm thêm bạn có thể thử là gia sư cho trẻ em hoặc thu ngân ở siêu thị.
Đối với vấn đề việc làm sau khi ra trường, trường Complutense rất nhiều ký kết với các doanh nghiệp Tây Ban Nha dành cho sinh viên có thành tích học tập tốt. Vốn có kinh nghiệm làm việc ở các triển lãm quốc tế và Đại sứ quán, Sai cho biết môi trường làm việc ở đây không có nhiều khó khăn và vấn đề xin giấy tờ cũng không phải quá rắc rối. Chỉ cần bạn có được hợp đồng của công ty, việc xin visa lao động sẽ rất dễ.