GMAT là viết tắt của cụm từ Graduate Management Admission Test, có thể hiểu là kỳ thi kiểm tra đầu vào dành cho các ngành thuộc về quản lý ở hệ cao học. Trong 4 năm vừa qua kỳ thi này đã có một số cải tiến nhất định để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người dự thi.
Tháng 7 năm 2017 (cập nhật mới nhất): Người dự thi có thể chọn thứ tự bài làm
Trước đó các thí sinh chỉ được tham gia dự thi GMAT với thứ tự các phần thi cố định là Analytical Writing Assessment (Viết luận), Integrated Reasoning (Lý luận phối hợp), Quantitative (Định lượng) và cuối cùng là Verbal (Ngôn ngữ). Tuy nhiên vì nhận được nhiều yêu cầu cập nhật tùy chọn thay đổi thứ tự thi từ thí sinh nên vào năm 2016 ban tổ chức kỳ thi đã quyết định thực hiện phiên bản thử nghiệm tính năng này.
Kết quả là có đến 85% người dự thi phản hồi rằng họ cảm thấy tự tin hơn trong phòng thi với tính năng mới. Ban tổ chức cũng nhận thấy việc có thể tự chọn phần thi còn giúp thí sinh cải thiện điểm số và quan trọng nhất là đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng và minh bạch. Thật vậy, do mỗi người sẽ làm một phần thi khác nhau trong cùng thời điểm nên khó có thể gian lận.
Hiện giờ ngoài thứ tự làm bài nguyên bản, thí sinh còn có thể chọn làm bài theo hai thứ tự khác như sau:
– Ngôn ngữ, Định lượng, Lý luận phối hợp, Viết luận
– Định lượng, Ngôn ngữ, Lý luận phối hợp, Viết luận
Tháng 3 năm 2016: Người dự thi có thể hủy kết quả online và nhận lại kết quả sau khi hủy
Trước kia thí sinh chỉ có thể hủy kết quả ngay sau khi làm bài nhưng nay bạn vẫn có thể lên mạng hủy kết quả trong vòng 72 giờ sau khi hoàn thành xong bài dự thi. Để hủy kết quả online bạn sẽ phải tốn một mức phía nhất định và kết quả sau khi hủy sẽ không được gửi cho trường đại học.
Nếu bạn đổi ý sau khi hủy kết quả thì vẫn có thể nhận lại kết quả cũ với một khoản phía là $50 (khoảng 1 triệu 100 ngàn đồng). Bạn có thể nhận lại kết quả cũ cho kỳ thi cách thời điểm hiện tại lên đến 4 năm 11 tháng vì hiệu lực sử dụng của GMAT là 5 năm. 1 tháng còn lại được dùng để xử lý hồ sơ. Tuy nhiên chỉ có các kỳ thi được diễn ra sau ngày 1 tháng 1 năm 2014 mới có thể áp dụng lựa chọn nhận lại kết quả sau khi hủy.
Tháng 7 năm 2015: Có đến ba cải tiến đáng chú ý
– Những kết quả thí sinh đã hủy sẽ không được báo cáo và gửi đến cho các trường đại học. Trước đó toàn bộ kết quả của mọi kỳ thi GMAT bạn từng tham gia đều được gửi cho trường đại học.
– Kỳ thi GMAT cho phép thí sinh dự thi lại sau 16 ngày kể từ lần thi gần nhất. Trước đó nếu muốn thi lại ứng viên phải chờ đến 31 ngày.
– Cho phép thí sinh truy cập vào bảng điểm của mình bằng ngày tháng năm sinh thay vì mã số loằng ngoằng như trước đây.
Tháng 1 năm 2015: Ra mắt GMAT Enhanced Score Report
Chương trình GMAT Enhanced Score Report có thể được xem như kỳ thi mô phỏng có nhiệm vụ trang bị cho ứng viên mọi thông tin cần thiết về bài thi, phân tích những mặt mạnh yếu sau khi dự thi thử, hỗ trợ thí sinh liên lạc với ban tuyển sinh,… để từ đó thí sinh có thể đưa ra định hướng đúng đắn trong việc luyện tập và chuẩn bị để dự thi lại nếu muốn. Chương trình này có giá là $24.95 (khoảng 550 ngàn đồng).
Tháng 7 năm 2014: Ra mắt tính năng GMAT Score Preview
GMAT Score Preview cho phép thí sinh có thể xem lại điểm các phần thi của mình để quyết định giữ lại hay hủy kết quả ngay sau khi thi. Thời điểm này chưa có tính năng hủy kết quả online.
Nguồn tham khảo: Shiksha Study Abroad, MBA