Bên cạnh một nền kinh tế phát triển, một môi trường giáo dục tiên tiến và hiện đại, Nhật Bản còn được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến với những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, giao tiếp của mình.

Nếu có ước mơ đi Du học Nhật Bản thì điều đầu tiên bạn cần làm đó là tìm hiểu về văn hóa giao tiếp của con người nơi đây. Cùng nằm trong khu vực Châu Á, nhưng văn hóa giao tiếp Việt Nam và Nhật Bản lại có những nét tương đồng và khác biệt rõ rệt.

Cúi chào: đây là một trong những nét đẹp văn hóa được người Nhật rất coi trọng và gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Đối với Nhật Bản, cúi chào không đơn thuần chỉ là phép lịch sự tối thiểu cần làm mà đây còn là hành động thể hiện sự tôn trọng đối với người đối diện. Thông thường những người có vai vế thấp hơn sẽ cúi chào trước, sau đó người đối diện sẽ đáp trả lại. Tùy vào đối tượng khác nhau mà Nhật Bản có những cách chào khác nhau. Chẳng hạn cúi chào một góc 90* đối với người lớn tuổi và khoảng 30* đối với bạn bè đồng trang lứa.

Sử dụng kính ngữ: Không riêng gì Nhật Bản mà với bất kì quốc gia nào khi xưng hô với người bề trên, người lớn tuổi bạn đều phải sử dụng kính ngữ. Việc bạn không sử dụng kính ngữ trong giao tiếp sẽ được xem là hành động thiếu tôn trọng người giao tiếp.

Hướng nhìn: Một trong những quy tắc bất thành văn của Việt Nam đó là phải nhìn thẳng vào người đối diện trong khi giao tiếp. Tuy nhiên điều này lại không được đánh giá cao trong văn hóa giao tiếp của người Nhật Bản. Người Nhật thường nhìn vào những vật trung gian bên cạnh thay vì nhìn thẳng vào mắt người giao tiếp đối diện. Đây được xem là một nét văn hóa khá mới lạ của đất nước mặt trời mọc.

Im lặng: Trong giao tiếp, người Nhật Bản thường rất kiệm lời. Bạn sẽ thấy rằng những cuộc hội thoại của họ thường diễn ra rất ngắn. Người Nhật Bản chú trọng tới quan sát và hành động nhiều hơn là lời nói. Điều này có thể thấy rõ ngay trong việc đánh giá con người thông qua công việc của họ. Người lãnh đạo sẽ không quan tâm nhiều tới những gì bạn nói, điều họ quan tâm duy nhất là bạn sẽ cống hiến được gì cho doanh nghiệp của họ.

Trang phục: trang phục cũng là một trong những tiêu chí được người Nhật Bản đánh giá cao trong giao tiếp. Trang phục giản dị, lịch sự và phù hợp với hoàn cảnh sẽ để lại ấn tượng tốt đối với người giao tiếp.

Đúng giờ: đây là một trong những nguyên tắc được người Nhật rất chú trọng. Người Nhật sẽ không chấp nhận việc bạn trễ hẹn ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên cho dù bạn có lý do gì đi chăng nữa. Đối với họ, đúng giờ là điều bạn cần phải làm khi tham gia vào bất cứ một công việc mà mối quan hệ nào.

Cảm xúc: người Nhật thường rất giỏi trong vấn đề kiềm chế cảm xúc bản thân, vì vậy họ sẽ không đem yếu tố này vào giao tiếp và ngay cả trong công việc. Họ sẽ cố tạo ra một bầu không khí thân thiện và cởi mở xoay quanh cuộc hội thoại của mình. Một tinh thần thoải mái và nụ cười thật tươi sẽ giúp việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn nhiều.