Mỗi ngày một bảng (Pound Sterling, GBP – đơn vị đồng tiền Anh, theo thời giá hiện tại đổi được khoảng 33.000 đồng tiền Việt) cho cuộc sống ở Anh không phải là điều quá lạ lùng, khi mà thất nghiệp gia tăng và nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng trước tình hình kinh tế suy thoái.
Trên tờ Evening Standard từng có những cuộc tranh luận làm thế nào để có được bữa ăn tối đàng hoàng cho gia đình mà không được chi quá 1 bảng Anh. Và giảng viên đại học Kath Kelly từng sống như vậy, in quyển sách kể lại một năm qua cô đã sống như thế nào với vỏn vẹn có 365 bảng cho chi tiêu: How I Lived a Year on Just a Pound a day (Sách được Redcliffe xuất bản năm 2008 và nhận xét của khách hàng vẫn còn được lưu trên trang mạng của Amazon. Các bài viết tương tự có thể đọc trên mạng ở các trang như Independent, Daily Mail hay Reuters Blog ).
Thực ra chuyện sống rẻ ở nước Anh và đặc biệt là London không phải là lạ lùng với cộng đồng người Việt ở đây, vốn ban đầu phải sống bằng trợ cấp xã hội và nay nhiều người giàu có vẫn giữ nếp sống cần kiệm như xưa, nhưng trong quyển sách các vấn đề được trình bày một cách hệ thống, và sắp đặt thành câu chuyện để người đọc có hứng thú theo dõi tiếp. Với mức trợ cấp thất nghiệp 65 bảng 1 tuần mà còn phải chi trả tiền điện nước, người nghèo ở nước Anh thực sự phải biết cách sống ở mức như vậy. Một trong số những cách mua được thức ăn rẻ là biết thời điểm mà siêu thị hạ giá hàng thực phẩm vào cuối ngày hay cuối tuần và trước các dịp phải đóng cửa nghĩ lễ. Những siêu thị thuộc loại cao cấp như Waitrose có thể bán gói hàng vài bảng xuống còn 10 xu vì sắp hết hạn bày bán, nếu không phải quăng bỏ vào thùng rác. Tác giả cho biết mỗi năm nước Anh quăng bỏ 17 tấn rác thực phẩm mà một phần tư vẫn còn ăn được, xếp hàng đầu là các loại rau xà-lách mà 61% hộ dân vất bỏ mỗi tuần.
Và người dân Anh còn chi tiền cho vô số những nhu cầu không thực sự là cấp thiết trong cuộc sống – như Kathy Kelly phát hiện và trình bày trong quyển sách của mình – để rồi mỗi năm vay nợ trung bình 3.830 bảng từ thẻ tín dụng. Một loạt các con số như mỗi tuần 12 bảng đi xi-nê hay thuê đĩa DVD, 19 bảng đi chơi, 25 bảng mua quà tặng và hiếu hỉ, 10 bảng mua đĩa nhạc, rồi 19 bảng tiền điện thoại, 64 bảng tiền rượu và ăn uống gặp mặt, 46 bảng tiền trang điểm và đồ vệ sinh v.v. tức là một phụ nữ Anh ở độ tuổi 21-25 chi 289 bảng một tuần, vị chi là 15.028 bảng một năm cho những thứ mà họ không thực sự cần. Mỗi tuần bỏ ra trung bình 82 bảng đi mua sắm sẽ tạo ra một tủ quần áo với 25 đôi giày. Và chi tiêu tiết kiệm không có nghĩa là lúc nào cũng phải tìm mua đồ rẻ. Có những siêu thị khuyến mãi bằng voucher, ví dụ như Sainsbury mua hàng đến 20 bảng sẽ được tặng lại 4 bảng, hay Tesco thì tự động cho tiền theo điểm tích lũy từ các lần mua sắm (Sainsbury cũng có hình thức này nhưng không nhiều bằng). Cuộc sống tiêu xài ít không đơn giản là dè sẻn số tiền có hạn, mà là hạn chế khai thác môi trường và trái đất – một xu hướng sống lành mạng đang là mốt ở phương Tây hiện nay. Dùng ít xà phòng sẽ khiến môi trường ít bị hóa chất hủy hoại, sử dụng hết những thứ thực phẩm đã mua về giúp hạn chế việc tiêu tốn năng lượng chuyên chở vòng quanh thế giới và tạo ra hiệu ứng nhà kính làm ấm nóng toàn cầu, ví dụ vậy.
Kath Kelly còn phát hiện ra vô số nơi có thể hái táo, lê hay blackberry từ các khu rừng nhỏ quanh nhà. Nhiều người Anh trồng cây ăn trái trong vườn nhà đến mùa thu hoạch thường đem ra cửa cho. Và đi trên đường nếu chú ý bạn còn có thể nhặt được rất nhiều tiền xu. Tờ Daily Mail tổng kết trong những chiếc ghế sofa bỏ đi trên nước Anh có chừng 5.9 triệu bảng tiền xu bị rơi vào, khoảng 650.000 bảng dưới các rãnh nước và 26 triệu trên đường phố. Cơ quan in tiền tổng kết từ 1971 tới giờ có 61.5 triệu bảng tiền xu bị biến mất khỏi hệ thống lưu thông. Một chiếc xe đạp cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều tiền, khi vé xe buýt ở London rẻ nhất cũng là 1.3 bảng nếu có Oyster Card (5 bảng tiền deposit). Tất nhiên, trong số tiền 365 bảng một năm này chưa kể tiền nhà, điện nước và thuế địa phương, một thứ chi tiêu có lẽ còn mắc mỏ hơn sinh hoạt và ăn uống.
Với các bạn sinh viên Việt Nam, những quyển sách kiểu như thế này ở thư viện địa phương (tự do vào đọc, làm thẻ miễn phí nếu muốn mượn về nhà) không chỉ giúp các bạn chi tiêu hợp lý hơn trong thời gian sống ở Anh, mà còn hiểu hơn về một xã hội kinh tế như nước Anh, nổi tiếng từ nhân vật Robinson trên hoang đảo – Homo economicus – của Defoe. Phần nào đó cũng là tính cách của người Anh, như câu cuối cùng của Kath Kelly trong cuốn sách của cô, sau khi đã kết thúc một năm sống thử với ngân sách mỗi ngày một bảng: “Và vậy là tới giờ tôi vẫn cảm thấy rất khó có thể chi ra nhiều hơn một bảng mỗi ngày”.