Bên cạnh kỹ năng viết và lập luận, kỹ năng đọc là một trong số những hoạt động quan trọng nhất mà sinh viên cần làm quen. Đó là thực tế, và thực tế thật đáng tiếc là đa số sinh viên đều gặp vấn đề trong việc đọc. Có vẻ như sinh viên phải đọc quá nhiều và không bao giờ đủ thời gian để đọc.
Danh sách những gì cần đọc thường rất dài, và giảng viên đưa ra nhiều hướng dẫn khác và ngay cả khi bạn chỉ đơn giản là tìm đọc những gì mình quan tâm thì sẽ sớm nhận thấy (nếu vẫn chưa làm như vậy) rằng có quá nhiều thông tin cần tiếp nhận và có quá ít thời gian để tiếp nhận chúng.
Chúng tôi không nghĩ rằng người đọc giỏi đơn giản chỉ là vấn đề phát triển kỹ năng và phương pháp đọc sách. Sinh viên muốn trở thành người đọc giỏi cần học cách chắt lọc thông tin hiệu quả từ những gì đã đọc, đồng thời học cách giao tiếp một cách sáng tạo và phê bình với quyển sách. Họ cũng sẽ thành người đọc có kỷ luật, hình thành và duy trì thói quen tốt, và sử dụng tốt thời gian nhờ vận dụng các kỹ năng và phương pháp đã tiếp thu.
Cùng với lắng nghe và quan sát, đọc sách là phương tiện quan trọng để chúng ta tiếp nhận thông tin về thế giới. Đọc sách củng cố hầu hết công việc đại học của sinh viên, cũng như đang là nền móng của cuộc sống đại học của giảng viên của bạn. Người làm công tác khoa học phải đọc, để mà đạt được và duy trì sự hiểu biết chuyên ngành, liên tục cập nhật, và đối chiếu công việc của mình với các đồng nghiệp khác. Bạn phải đọc để biết về chuyên ngành mình đang học và giúp mình tiếp nhận phong cách khoa học vào bài viết. “Phong cách khoa học” ở đây là cách bạn liên kết những gì mình viết với những gì người khác đã viết về cùng một đề tài hay các đề tài có liên quan.
Bạn có thể thấy ích lợi từ việc lưu lại các bài viết khoa học mẫu mực mà bạn từng đọc qua. Bạn có khả năng phát hiện một bài viết tốt, vì bài đó sẽ truyền đạt ý tưởng và lập luận dù rất phức tạp nhưng dễ hiểu. Bạn có thể làm một cặp hồ sơ lưu các bản sao những đoạn văn đó, vài trang hay cả chương hoặc bài viết trên tạp chí. Cùng đó là một vài ghi chú riêng giải thích tại sao bạn lại nghĩ đó là bài viết thành công, ví dụ như là do dùng câu ngắn, từ ngữ đơn giản, hay dùng ngôi thứ nhất để truyền đạt, hay đơn giản là tránh dùng từ chuyên môn? Và cũng ích lợi nếu sưu tập các bài viết kém, đặc biệt là các bài viết không thể đọc nổi và chẳng truyền đạt được gì, ngoài cảm giác là tác giả có lẽ vô cùng thông thái nếu biết rõ mình đang viết gì. Bạn cũng có thể lưu trữ những bài viết thất bại mình từng gặp thành cặp hồ sơ, với ghi chú bên cạnh giải thích lý do làm bài viết kém.
Chưa bao giờ xu hướng các trường đại học và cao đẳng muốn sinh viên không chỉ tiếp thu kỹ năng đọc mà còn cả phương pháp đọc chuyên môn lại mạnh như hiện nay, gọi là học từ nguồn sách: resource-based learning. Trong một quyển sách trước, chúng tôi từng nhắc đến khái niệm FOFO (First Organise and Find Out) do một trường đại học đặt ra nhằm muốn sinh viên trở thành những người có khả năng tự học bằng cách trao cho họ trách nhiệm về việc học của mình.
Bất kể bạn đã đọc gì, và tiếp xúc với loại sách khoa học nào, những gì bạn sẽ đọc ở trường đại học khác với những gì trước đây, đặc biệt là khác với sách giáo khoa thời trung học. Trong vai trò sinh viên bạn sẽ được giảng viên hướng dẫn đọc một số sách, qua danh sách bắt buộc cho toàn môn, và các đề mục được giới thiệu thêm. Tuy nhiên, thường thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm tìm kiếm và quyết định sẽ đọc gì, hơn là thụ động như ở cấp phổ thông.
Bạn cũng cần phải tìm xem mình là người đọc thuộc loại nào. Người khéo léo có thể cùng lúc nắm giữ và luân chuyển nhiều ý tưởng khác nhau. Người nấu bếp từ từ lên men tư tưởng riêng với một ít từ chỗ này, một phần từ chỗ kia từ những gì đã đọc. Người thám hiểm đi vào nơi chưa biết và có lúc vào khu vực tri thức nguy hiểm. Người làm vườn, cẩn thận lên kế hoạch, chuẩn bị nền rất kỹ bằng cách đặt trước câu hỏi muốn tìm gì trong lúc đọc, nuôi dưỡng cẩn thận ý tưởng của mình khi gặp môi trường và loại bỏ các nhánh yếu. Thám tử theo dấu các lập luận và dòng suy nghĩ, cả trong và giữa các văn bản. Người đọc tình cảm sẽ đem những thông điệp đáng yêu đã gặp vào bài khóa luận. Người làm bản đồ sẽ phác thảo sơ đồ của quyển sách, xác định cao điểm và thung lũng, các đặc tính địa hình để anh ta dễ dàng tìm đường đi khi quay lại sau này.
Trong vai trò sinh viên, nhiệm vụ của bạn là phải nhớ, sắp xếp và vận dụng một khối lượng lớn thông tin đa phần là đến từ quá trình đọc của bạn. Một số thông tin sẽ là dạng mà chúng ta thường gọi là “kiến thức”, ý nói có một mức độ định nghĩa trong đó, hoặc quá ý nghĩa mà người ta coi là sự thật. Các thông tin khác cũng cần phải tiếp thu và sử dụng nhưng không phải là kiến thức, mà là quan điểm hay ý kiến. Khi ghi chú bạn sẽ phải tự tìm ra cách đê phân loại các thông tin khác nhau đó.
Phương pháp ghi chú tùy thuộc vào cách học của bạn và con đường tư duy riêng của bạn. Có người luôn giữ một cách ghi chép nhất quán trong lúc đọc sách, có người lại thích phối hợp các kiểu tiện lợi, như là dùng sơ đồ nếu ý tưởng cần trình bày theo kiểu như vậy, hoặc liệt kê theo danh sách chẳng hạn như là các từ khóa, các cụm từ hay câu ngắn, và cũng có người ghi chép rất nhiều. Quan trọng là bạn chọn phương pháp ghi chú phù hợp với tài liệu đang đọc và mục tiêu trong việc đọc và viêt ghi chú. Ví dụ khi gặp các lập luận phức tạp thì ghi thành từng hàng sẽ thuận lợi hơn, mỗi lập luận mới sẽ là một hàng mới trong sổ ghi chép. Hay là khi ghi chép về một quá trình khoa học, hay quan hệ giữa các cá nhân trong một tổ chức, hay nguyên nhân tạo ra một sự kiện lịch sử, thì có thể đánh điểm hoặc vẽ sơ đồ.
Thay vì viết ghi chú vào tờ giấy khác, một số người chọn sử dụng luôn tài liệu mà họ đang đọc – tô màu các chữ và viết bình luận vào bên cạnh. Một số giảng viên đại học không chấp nhận hành vi này, nhưng chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc viết vào sách và tài liệu, vì làm như vậy giúp bạn sử dụng chúng hiệu quả hơn, với điều kiện là bạn chỉ viết vào sách và tài liệu của mình, không bao giờ viết vào sách hay tài liệu của người khác.
Học cách đọc bài viết của chính mình có lẽ là điều quan trọng nhất bạn có thể làm nếu muốn viết tốt hơn, vì bài khóa luận mà bạn sẽ phải viết nháp và sửa chửa lại cùng luận văn sẽ là công việc viết quan trọng nhất. Ai cũng có thể viết một chuỗi các từ và may mắn thì họ sẽ nối lại thành câu và khổ tạo ra một nội dung nào đó. Tuy nhiên, kỹ năng thực sự nằm ở chỗ làm các dòng chữ đó chuyển tải được thông điệp một cách đơn giản, rõ ràng và lịch thiệp nhất.
(Lược dịch từ giáo trình của Gavin J. Fairbairn & Susan A. Fairbairn 2001, Reading at University – A guide for Students, Open University Press)
Các bạn cũng có thể tham khảo Sổ tay nghiên cứu trong KHXH&NV của tác giả Lê Hải nhé.