Trải nghiệm du học không chỉ là một bước đánh dấu quan trọng trong cuộc đời các bạn trẻ mà còn góp phần ảnh hưởng tới quê hương và xã hội nói chung. Và các chương trình học bổng quốc tế hỗ trợ sinh viên có thành tích học tập xuất sắc đến từ các quốc gia đang phát triển đã minh chứng cho nhận định này.

Từ xu hướng những năm đầu thế kỷ…

Sau chiến tranh thế giới thứ II, nhu cầu nâng cao năng lực nhân sự của các bộ máy chính quyền các nước mới giành độc lập ngày một tăng cao, cơ hội học bổng cũng vì thế mà được phát triển rộng khắp, trải dài trên nhiều lĩnh vực đa dạng. Các chương trình học bổng từ đó được hình thành với mục tiêu hỗ trợ sinh viên các nước kém phát triển tới học tập và nghiên cứu tại những nước có nền giáo dục phát triển hơn.

Ảnh hưởng của những học bổng này khá hiển nhiên khi phần lớn sinh viên nhận học bổng du học thời bấy giờ xuất phát từ giới chính trị cấp cao. Họ đi học và trở về với cam kết áp dụng những kiến thức học được vào phát triển quê hương. Đa số những sinh viên du học theo các chương trình học bổng lớn như Rhodes, Fulbright, Commonwealth và Rockefeller đều quay trở lại quê hương để đảm trách những vị trí có sức ảnh hưởng lớn.

Câu chuyện thành công của những nhà chính trị – “du học sinh” này đã tiếp thêm động lực cho nhiều học bổng được hình thành, đem lại lợi ích cho cả hai bên – một bên là các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á, Mỹ-Latinh, Liên Xô với bên còn lại là các quốc gia lớn kiếm tìm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh tế.

… đến những tác động phát triển kinh tế, thay đổi xã hội

Trong bối cảnh hiện nay tác động xã hội của các chương trình học bổng đã có nhiều thay đổi. Nhu cầu học đại học và sau đại học tại các nền giáo dục lớn, các cơ sở giáo dục hàng đầu cũng ngày một tăng lên. Sinh viên nhận học bổng cũng đóng góp vào việc phát triển kinh tế và thay đổi xã hội dưới nhiều phương thức khác nhau.

Cuốn sách International Scholarships in Higher Education: Pathways to social change mới đây đã tập hợp ý kiến, nghiên cứu về các chương trình học bổng lớn bao gồm Brazilian Scientific Mobility Program; Open Society Scholarship Program; Commonwealth Scholarships and Fellowship Plan; Chinese Government Scholarship Program; và MasterCard Foundation Scholars Program đồng thời đưa ra những nhận định về cách những học bổng này góp phần thay đổi xã hội.

Theo đó, học bổng chính là cơ hội mở rộng kiến thức và học hỏi cho sinh viên đến từ các nước châu Phi và châu Á, nơi việc tiếp cận các chương trình giáo dục đại học chất lượng cao vẫn còn rất đắt đỏ với nhiều hạn chế và thách thức.

Xoay quanh câu hỏi “liệu những học bổng quốc tế có thể cho phép những sinh viên xuất sắc “phá vỡ những giới hạn và thúc đẩy thay đổi xã hội”?”, cuốn sách đưa ra 5 hướng tiếp cận, qua đó cơ hội học bổng có thể tạo nên những thay đổi cho xã hội chứ không chỉ dừng lại ở thành tựu cá nhân, bao gồm:

* Đơn vị thay đổi: cá nhân mỗi ứng viên nhận học bổng tạo ra thay đổi xã hội tích cực thông qua hành động cá nhân đa hiệu ích.

* Mạng lưới xã hội: mạng lưới sinh viên và cựu sinh viên nhận học bổng thúc đẩy tạo ra thay đổi thông qua các chương trình hợp tác.

* Mở rộng tiếp cận: thúc đẩy xã hội thông qua việc chọn lọc ứng viên nhận học bổng từ các cộng đồng chưa được tiếp cận.

* Đa dạng học thuật: các chương trình học bổng ảnh hưởng tới các trường đại học, khuyến khích những trường này tiếp cận sinh viên quốc tế.

* Hiểu biết quốc tế: tạo điều kiện củng cố giao tiếp quốc tế và giao thoa văn hóa, khoan dung và hợp tác.

Hàng chục nghiên cứu đánh giá học bổng đã chứng minh trong điều kiện chính trị ổn định, sinh viên quốc tế nhận học bổng có thể đạt được những thành tựu xuất sắc và tạo nên những ảnh hưởng đáng kể. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hơn, mạng lưới liên kết sinh viên, cựu sinh viên từng nhận học bổng cũng phát huy vai trò tích cực của mình.

Kết quả đầu ra thay đổi xã hội được quyết định bởi nhiều yếu tố như kinh nghiệm giáo dục quốc tế, bằng cấp, lĩnh vực, phương pháp học tập, cơ hội kết nối, đào tạo lãnh đạo và cả việc sinh viên nhận học bổng quay về nước sau khi học xong. Cuộc tranh luận “đi hay ở” của sinh viên vẫn còn diễn ra gay gắt. Trong khi một bên chỉ ra sinh viên về nước có thể tạo ra những tác động thay đổi chính trị xã hội, bên còn lại tranh cãi rằng mạng lưới cộng đồng và các công ty liên doanh giúp các nước đạt được thành tựu kinh doanh và khoa học mà không cần sinh viên thực sự trở về.

Xu hướng chung của mô hình giáo dục đại học thời gian gần đây, các chương trình du học đắt đỏ đang dần được bổ sung hoặc thay thế bởi những mô hình đào tạo liên kết, cho phép người học nhận bằng quốc tế ngay tại nước mình. Kết quả là những học bổng quốc tế nhắm đến những thay đổi ngắn hạn hơn về các kĩ năng cụ thể và hợp tác nghiên cứu. Những cơ sở đào tạo đại học trong phạm vi khu vực được thành lập và không ngừng mở rộng, chủ yếu ở châu Á và Trung Đông, thu hút những sinh viên mong muốn có được tấm bằng giá trị với mức phí tiết kiệm hơn. Bên cạnh đó, những khóa học mở (MOOC) cũng là công cụ hiệu quả nhất hiện nay trong việc mở rộng khả năng tiếp cận tới giáo dục đại học.

Dù vậy, những học bổng lớn, có lịch sử lâu đời vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng giúp sinh viên tiếp cận kiến thức, kĩ năng, và môi trường sống từ các nền giáo dục lớn từ đó tạo dựng giá trị cá nhân đồng thời đóng góp cho xã hội dù ở quê hương hay nước ngoài. Và biết đâu việc bạn “săn” được học bổng ngày hôm nay có thể thay đổi một trang mới trong cuốn sách mang tên xã hội?