SOP, bài tiểu luận chủ quan
Đây là một bài tiểu luận giúp bạn giới thiệu đến hội đồng tuyển sinh (hội đồng chấm học bổng…) bạn là ai, bạn quan tâm đến lĩnh vực gì và kế hoạch học tập cũng như mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.
Statement of Purpose (tiểu luận về mục đích học tập và nghề nghiệp) là một trong những giấy tờ nên được bạn đầu tư khi làm hồ sơ du học hoặc hồ sơ học bổng. Lí do vì đây là mục duy nhất mà bạn có thể trực tiếp truyền thông với hội đồng tuyển sinh, cơ hội để bạn thể hiện sự vượt trội của bản thân hơn những ứng cử viên khác. Tính chủ quan của một SOP thể hiện ở chỗ chính bạn sẽ là người đặt bút viết chứ không dựa trên một hồ sơ đã có sẵn, cũng không có sự can dự của người khác.
Đối với một hồ sơ xin học bổng, SOP của bạn phải thực sự ấn tượng để có cơ hội lọt vào mắt xanh của người chấm học bổng, nhất là khi bạn phải cạnh tranh với rất nhiều người cũng giỏi giang như bạn.
Làm thế nào để viết một SOP thu hút, mạch lạc và đúng trọng tâm không phải là điều đơn giản.
Viết SOP, khoe sao cho khéo?
Lưu ý đầu tiên đó là bạn không nên dựa theo một SOP sẵn có nào, bởi bài tiểu luận này đòi hỏi tính cá nhân rất cao. Không nên sao chép bài luận nguyên mẫu từ bất cứ nguồn nào, tuy nhiên bạn có thể tham khảo chúng để rút ra những kinh nghiệm về sử dụng ngôn từ sao cho hiệu quả, thu hút nhất. Độ dài vừa đủ của một bài SOP là từ 2 đến 3 trang. Trong đó, bạn nên đặt biệc chú trọng đến đoạn văn đầu tiên với vai trò gói gọn nội dung của toàn bài tiểu luận. Đoạn văn này không nên dài quá 4,5 câu.
Thứ hai là bạn phải khẳng định được mối liên hệ giữa cá nhân với chương trình học bổng hay chương trình học của trường đó. Để làm được điều này, bạn phải tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn để tìm ra những chi tiết đắt giá chỉ riêng chương trình đó mới có: chẳng hạn như phương pháp học tập, một môn học ưa thích… và quan trọng nhất là kết nối nội dung chương trình với kế hoạch cá nhân. Chẳng hạn, để đăng kí vào học ngành Bảo tàng học, bạn có thể sử dụng thành tích Học sinh giỏi thành phố môn Lịch sử năm cấp II để thể hiện sự quan tâm của bạn với bộ môn Lịch sử để thêm phần thuyết phục.
Điều thứ ba cần lưu ý là các chi tiết đắt giá. Những hồ sơ quá lí thuyết và chung chung sẽ không bao giờ hấp dẫn người đọc. Chính vì thế, bạn nên sử dụng các dẫn chứng thú vị, độc đáo khi nói về một thành tích nào đó để thêm tính thuyết phục và cuốn hút cho thông tin mình đưa ra. Ví dụ khi nói về khả năng lãnh đạo, bạn có thể sử dụng kinh nghiệm nhiều năm làm ban cán sự lớp. Tất nhiên, yếu tố chân thật phải luôn được đặt lên trước nhất, bởi “có những điều thà không nói, còn hơn nói mà không đúng sự thật”. Để tăng tính thuyết phục cho các chi tiết đề cập trong SOP, bạn có thể sử dụng bằng chứng gửi kèm: bằng khen/số báo có đăng bài cộng tác/phim tự làm…
Ở khâu hành văn, bạn nên tránh tuyệt đối những câu như “Tôi rất tài năng” hay “Tôi là một sinh viên xuất sắc”, bởi những điều này đã được thể hiện qua các giấy tờ khác như bảng điểm hay thư tiến cử (letter of recommendation) của thầy cô. Để cho khách quan bài viết, bạn nên nhờ ai đó đọc lại bản SOP nhiều lần trước khi gửi đi, đây cũng là cách rà lại lỗi chính tả hoặc câu cú.