Làm thế nào để một bài luận được trường đại học đánh giá cao? Làm sao để thể hiện được hết cá tính, hoài bão của bạn trong bài luận?
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi làm bài luận để nộp hồ sơ cho các trường đại học mà các chuyên gia đã đưa ra, hay nói cách khác, nó là sự khác nhau giữa một bài luận được chấp nhận và bị từ chối.
Bước 1: Lên ý tưởng để lựa chọn đề tài
Những bài luận tốt thường là về một khoảnh khắc hay những điều rất nhỏ. Có rất nhiều khoảnh khắc và những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống của các bạn. Do đó bạn sẽ tìm thấy điều độc đáo và rất riêng của mình để viết.
-Hãy trả lời những câu hỏi sau để tìm ra đề tài thích hợp:
- Bạn đã bao giờ gặp khó khăn hay vấp ngã trong cuộc sống chưa, bạn đã làm gì để vượt qua nó. Vấn đề ở đây không phải là bạn kể vanh vách những biến cố trong cuộc đời để làm khổ nhục kế với ban giám khảo, vấn đề là bạn đã vượt qua các biến cố như thế nào.
- Những thành quả của bạn trong thời gian qua, không hẳn là thành tích nổi trội nhất, nhưng nó có ý nghĩa như thế nào đối với bạn.
- Bạn đã bao giờ phấn đấu hết mình cho một mục tiêu mà mình đặt ra chưa, dù thành công hay thất bại, bạn hãy cho ban giám khảo biết là bạn làm điều đó như thế nào?
- Bạn có tham gia hoạt động ngoại khóa hay không? Tại sao bạn tham gia các hoạt động đó? Điều này giúp ích gì trong cuộc sống cũng như học tập của bạn? Cho đến
nay bạn vẫn tham gia công việc đó chứ? - Bạn muốn trong tương lai bạn sẽ là gì? Bạn muốn trở thành ai? Bạn muốn sống ở nơi nào?
- Bộ phim, quyển sách,… yêu thích nhất của bạn là gì? Tại sao bạn lại thích chúng? Tất cả điều này sẽ giúp ban giám khảo nhận ra bạn là ai.
- Theo bạn phẩm chất nào của con người là quan trọng nhất? Vì sao?
- Cuối cùng, học bổng này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với bạn?
-Nếu sau khi trả lời những câu hỏi này mà vẫn còn mù mờ về đề tài để lựa chọn, thì dưới đây Du Học Việt Nam sẽ gợi ý cho bạn một số đề tài khá thú vị được những “tiền bối” đi trước chia sẻ nhé!
- Đánh giá một kinh nghiệm, thành tựu, rủi ro hoặc lựa chọn quan trọng bạn đã gặp phải và ảnh hưởng của trải nghiệm đó với bạn.
- Thảo luận về một vấn đề liên quan đến cá nhân, địa phương, quốc gia, hay thế giới và tầm quan trọng của vấn đề đó đối với bạn.
- Cho biết một người đã có ảnh hưởng lớn đối với bạn và mô tả sự ảnh hưởng đó.
- Mô tả một nhân vật trong viễn tưởng, một nhân vật lịch sử, hoặc một tác phẩm sáng tạo (như trong vẽ, âm nhạc, khoa học, ..) đã có ảnh hưởng đến bạn, và lý giải về sự ảnh hưởng đó.
- Những đam mê học thuật, góc nhìn của bản thân và kinh nghiệm sống tạo phần quan trọng trong việc giáo dục. Với lý lịch bản thân của bạn, mô tả một trải nghiệm thể hiện bạn có thể làm đa dạng cộng đồng ở trường ĐH, hoặc một câu chuyên chứng minh tầm quan trọng của sự đa dạng đối với bạn.
- Một đề phụ rất phổ biến là dạng “Why X College?” để bạn trình bày tại sao bạn muốn đăng kí vào trường đó khi lựa chọn học tập tại Mỹ.
Bước 2: Thể hiện cá tính và con người bạn qua bài luận
Bài luận là con người bạn, là cá tính riêng của bạn, là tài năng, óc sáng tạo, lòng hăng say học hỏi, là tầm nhìn sâu, rộng và xa của bạn, là kinh nghiệm tích tụ… và nhiều khía cạnh khác của con người bạn liên quan đến ngành hay lãnh vực bạn muốn xin học bổng để có cơ hội đào sâu và tiến xa hơn trong tương lai. Nói tóm lại, họ muốn biết bạn là ai và tại sao họ lại nên trao học bổng cho bạn.
Bạn có thể tự trả lời những câu hỏi dưới đây trước khi đặt bút viết:
- Quá khứ giúp gì trong việc định nghĩa con người bạn hôm nay?
- Nghĩ về ước mơ của bạn và những người đã ảnh hưởng bạn trong việc mơ ước hay xã định những mục tiêu mà bạn đang có? Bạn đã làm gì để phát triển ước mơ này?
- Những mục tiêu/ước mơ này có ảnh hưởng, liên kết gì tới cuộc sống của bạn?
- Bên ngoài trường học bạn tham gia những hoạt động gì? Vì sao bạn lại tham gia những hoạt động đó? Chúng giúp gì trong việc phát triển và định hình con người bạn? Bạn đã học được những gì về bản thân và những người tham gia hoạt động đó?
- Bạn đã bao giờ gặp một khó khăn gì mà bạn cố gắng hết sức để vượt qua? Tại sao bạn cho rằng bạn đã vượt qua thử thách đó? Điều đó có ảnh hưởng tới bạn như thế nào và thay đổi cái nhìn của bạn ra sao?
Bước 3: Những điểm cộng trong nội dung bạn nên lưu ý
-Nhấn mạnh vào công việc tình nguyện
Để có một bài luận tốt, hãy nhấn mạnh vào những công việc tình nguyện hoặc những cống hiến bạn đã thực hiện để giúp một cộng đồng nào đó trở nên tốt hơn. Và nếu công việc đó liên quan đến ngành bạn muốn theo học thì càng tuyệt vời hơn nữa.
Trường đại học sẽ rất ấn tượng với những gì bạn đã làm và họ muốn biết được rằng bạn có trở thành một nhân tố tốt tại trường của họ hay không.
-Đề cập đến hoạt động ngoại khóa
Đừng quên đề cập các kỳ thực tập, các khóa học mùa hè, các hoạt động ngoại khóa và các bài tập thực hành nghiên cứu mà bạn đã thực hiện. Tất cả những điều đó sẽ thể hiện mức độ bạn thực sự quan tâm và đam mê với lĩnh vực bạn lựa chọn đến đâu.
-Hiểu biết về ngôi trường:Tiếp theo, bạn cần giải thích bằng kiến thức và đam mê của mình về lý do tại sao bạn lại chọn ngôi trường đó thay vì bất kỳ một ngôi trường nào đó khác.
Hãy nói về quy mô của trường, lịch sử, vị trí, cộng đồng, những giáo sư,.. tất cả những gì tác động đến lựa chọn của bạn. Mặc dù câu hỏi này khá nhàm chán nhưng bạn phải trả lời thật cụ thể và dĩ nhiên phải biết “nịnh nọt” đúng mức, sao cho nổi bật hơn người khác.
Để làm được điều này, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin về trường (tốt hơn là qua những “tiền bối” đi trước); chọn một điểm thật đặc biệt về trường, đặt một tựa đề thật kêu và bắt đầu… kể chuyện. Hãy cho nhà trường thấy rằng bạn khen một cách chân thành chứ không hề sáo rỗng.
Bước 4: Đừng quên check lại bài luận sau khi xong
-Check lại ngữ pháp và lỗi chính tả: Cách bạn dùng từ ngữ và hành văn sẽ nói lên khả năng Tiếng Anh của bạn đã phù hợp để bắt đầu học đại học hay chưa.
Đừng để bị mất điểm vì một vài lỗi chính tả hay vô tình dùng những từ ngữ không phù hợp với lối viết học thuật.Đừng ngại tốn thời gian cho việc chỉnh sửa. Bạn cần sắp xếp lại các chi tiết bổ trợ, xóa bỏ những phần không cần thiết và làm rõ nghĩa thêm một vài điểm quan trọng.
-Nhờ người kiểm tra: Hãy đưa bạn luận cho một vài người đọc trước và gợi ý để họ nhận xét giúp
- Bài viết của bạn nói về vấn đề gì?
- Bạn đã sử dụng động từ ở thể chủ động nhiều nhất có thể chưa?
- Cấu trúc câu của bạn có đa dạng không? Hay chỉ toàn những câu hoặc ngắn ngủn hoặc dài thượt?
- Bạn sử dụng từ nối có ổn không?
- Ngôn ngữ của bạn có hình tượng và khiến bài viết dễ hiểu, sinh động hơn không?
- Có lỗi chính tả nào không?
- Phần hay nhất là phần nào?
- Phần tệ nhất là phần nào?
- Ấn tượng đọng lại là gì?
- Phần nào vẫn chưa rõ ràng và cần được viết lại?
- Phần nào dư thừa cần bỏ đi?
- Bài viết nói lên được gì về bạn?
- Nó có độc đáo không?
-Kiểm tra email: Sau khi gửi bài luận đi, đừng quên kiểm tra email để chắc chắn rằng trường bạn nộp đã nhận được hồ sơ và phản hồi với bạn. Một số người vì không check email mỗi ngày mà vô tình bỏ lỡ lịch hẹn phỏng vấn hay thực hiện một số câu hỏi, bài tập đánh giá từ phía nhà trường.
Cuối cùng, các chuyên gia đã tổng kết rằng, mỗi trường đại học giống như một bàn tiệc tối. Vậy điều gì sẽ khiến bạn trở thành người thú vị nhất trong cuộc trò chuyện trên bàn tiệc đó? Điều gì khiến người khác chú ý đến những trải nghiệm và câu chuyện bạn đang có? Đó chính là một bài luân tốt, thể hiện được cá tính, trải nghiệm và những quyết tâm bạn đang khao khát được thực hiện.